Chúng ta dễ dàng bắt gặp bình chữa cháy ở khắp mọi nơi, từ các toà nhà, chung cư, nhà ở, văn phòng, trường học, bệnh viện, v.v. Và những nơi đó thường hay trang bị 2 loại bình chữa cháy phổ biến nhất. Đó là bình chữa cháy bột khô và bình CO2. Vậy chúng ta phân biệt và cách sử dụng của 2 loại bình này khác nhau như thế nào?
1. Phân biệt bình chữa cháy bột khô và bình CO2:
Để phân biệt 2 loại bình này, chúng ta có thể phân loại dựa vào đặc điểm ngoại quan.
Đầu tiên, có thể phân biệt dựa vào nhãn dán trên bình.
- Trên bình CO2, thường có những ký hiệu MT3, MT5. Đây là những ký hiệu riêng cho bình CO2. Trong đó, MT dùng để chỉ hóa chất chữa cháy được chứa trong bình là CO2. Con số đi kèm sau ký hiệu MT dùng để biểu thị khối lượng khí CO2 được nén trong bình. Khối lượng này không bao gồm khối lượng của vỏ bình. Ví dụ, bình chữa cháy bạn đang sử dụng có ký hiệu MT3 nghĩa là bình chữa cháy của bạn thuộc dạng dùng khí CO2 và khối lượng khí được nén trong bình là 3kg.
- Trên bình bột có ký hiệu MFZ: bình chữa cháy có khí đẩy N2 nạp trực tiếp vào bình chứa bột.
Đặc điểm ngoại quan thứ hai đó là ở cổ bình bột khô có đồng hồ áp suất còn bình CO2 thì không có đồng hồ.
Đặc điểm thứ 3 là dựa vào loa phun, loa phun bình bột khô thì mềm và nhỏ, còn đối với bình CO2 thì loa phun to và cứng.
2. Cơ chế chữa cháy:
Về cơ chế chữa cháy, bình bột khô dùng áp suất, đẩy bột khô ra, cách ly Oxy với vật liệu cháy nhưng không làm tắt hoàn toàn và cơ nguy cơ cháy lại đối với chất rắn. Còn bình CO2 là dùng khí nén. Khi xịt, khí CO2 được đẩy ra, làm lạnh đột ngột và dập tắt đám cháy, nhưng không tắt hoàn toàn và có nguy cơ cháy lại đối với chất rắn.
3. Các bước sử dụng bình chữa cháy:
3.1. Các bước dùng bình bột khô:
Để sử dụng bình bột khô, có 4 bước.
- Bước 1, kiểm tra đồng hồ đo áp suất. Mức màu xanh, áp suất trong bình còn tốt. Nếu kim chỉ mức màu vàng, có nghĩa là bình dư áp suất, có nguy cơ gây nổ, trường hợp này rất hi hữu. Nếu kim chỉ mức màu đỏ, có nghĩa là áp suất trong bình yếu. Nếu kim chỉ xuống thấp nữa, tận cùng vùng màu đỏ thì có nghĩa là bình đã hết áp suất, không chữa cháy được nữa.
- Bước 2: Lắc sốc bình. Ở trạng thái tĩnh, chất bên trong bình chia thành 2 lớp. Phần bên trên là khí nito, phần dưới là bột khô. Tay thuận cầm mỏ vịt, tay còn lại bê đáy bình, lắc sốc từ 3 – 5 lần.
- Bước 3: Rút chốt an toàn. Tay trái đặt vào cổ bình, tay còn lại, ngón chỏ để vào chốt an toàn, giật mạnh, dứt khoát. Lưu ý, tay trái đặt vào cổ bình, tuyệt đối không cầm vào mỏ vịt. Vì khi bóp vào mỏ vịt, là chúng ta đang khoá chốt, không thể rút chốt an toàn ra được.
- Bước 4: Chữa cháy. Một tay cầm sát đầu loa phun. Lưu ý: không cầm vào dây vòi phun hoặc đầu vòi phun. Vì khi cầm những bộ phận này, áp xuất ra làm cho vòi phun quay tròn, dẫn đến chữa cháy không hiệu quả. Cầm sát đầu loa phun, chỉ đầu loa phun vào tâm đám cháy. Đứng cách đám cháy từ 1.5 – 2m, tay còn lại bóp chặt mỏ vịt, đến khi nào đám cháy tắt thì thôi.
Bình bột không nên dùng ở nơi có máy móc, trang thiết bị hiện đại và bếp ăn. Vì bột trong bình bột khô có tính oxy hoá và ăn mòn cao. Có thể gây hư hỏng các trang thiết bị. Đồ ăn, thực phẩm, nguồn nước đã nhiễm bột chữa cháy cũng không sử dụng được nữa.
3.2. Các bước dùng bình CO2:
Khi sử dụng bình CO2 thì ít bước hơn so với bình bột, nhưng nguy hiểm khi sử dụng bình CO2 cao hơn so với bình bột. Vì khí lạnh khi phun từ bình CO2 ra là -79 độ C. Nếu khi chữa cháy mà cầm vào phần loa phun, hoặc cầm vào phần vòi phun sẽ gây ra hiện tượng bỏng lạnh, hoại tử da thịt rất nguy hiểm.
Sau đây là hướng dẫn sử dụng bình CO2 an toàn:
- Bước 1: Nâng loa phun lên 90 độ
- Bước 2: Rút chốt an toàn. Cách thực hiện rút chốt an toàn giống hệt như cách làm với bình bột. Tay trái đặt vào cổ bình, tay còn lại, ngón chỏ để vào chốt an toàn, giật mạnh, dứt khoát.
- Bước 3: Chữa cháy. Tay thuận cầm mỏ vịt, tay còn lại bê đáy bình. Chỉ loa phun phun vào tâm đám cháy. Đứng cách đám cháy từ 1.5 – 2m, tay còn lại bóp chặt mỏ vịt, đến khi nào đám cháy tắt thì thôi.